Với “triết lý” về thực phẩm sạch nhất, chất lượng tốt nhất như vậy, bất giác tôi giật mình: “Khó quá, sao làm nổi!” Nhưng nghĩ lại, mình phải làm gì đó, nhỏ thôi.
Tôi bắt đầu tìm kiếm cái gì nhỏ nhất, đơn giản nhất và gần gũi nhất để làm. Mỗi khi ăn cơm, đi nhà hàng, quán xá, tiệc tùng… tôi đều để ý, tìm xem cái gì mình có thể làm. Tôi nhận thấy có ba cái không thể thiếu trong mọi bữa ăn của người Việt Nam là cơm, nước chấm và ớt. Tôi chọn ớt!
Với khoảng 70% người Việt sử dụng ớt mỗi ngày mà đa phần là ớt trái, ớt tươi xay hoặc giã nhỏ. Tại sao lại như vậy? Phải chăng cái gì tồn tại là do nó phù hợp và cái gì phù hợp thì nó sẽ tồn tại?!
Tôi để ý thấy người phụ nữ chuẩn bị một bữa ăn khá vất vả, dọn cơm xong thì đi làm nước chấm, phải lấy ớt từ trong tủ lạnh ra, dùng kéo cắt lát (hay xay ra, giã nhỏ) rồi cho vào nước chấm, cứ như vậy ba lần mỗi ngày. Chưa kể khâu chuẩn bị cũng có món cần đến ớt giã nhuyễn để tẩm ướp. Nhưng có khi mở tủ lạnh ra đã hết ớt vì ớt tươi không để lâu được. Hơn nữa các công đoạn này cũng gây khó chịu vì có thể gây nóng, bỏng rát da tay.
Thấu hiểu nỗi vất vả, khó chịu đó, tôi muốn làm tương ớt (mà cụ thể là ớt bằm) sao cho có thể thay thế được ớt tươi, để được lâu, dễ sử dụng và bảo quản nhưng vẫn giữ nguyên hương vị ớt tươi, giúp người phụ nữ một tay trong việc lo cho bữa cơm của gia đình.