Nguồn: Trang UY TÍN TIÊU DÙNG (uytintieudung.vn)
Dịch Covid-19 khiến tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là giải pháp giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa một cách bền vững.
Đặc biệt, hoạt động này còn giúp nông sản nâng tầm giá trị, lấy lại thị phần trong nước trước sức ép cạnh tranh hàng ngoại nhập.
Cái khó ló cái khôn
Chilica là thương hiệu tương ớt, ớt xay lên men của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare dự định ra mắt người tiêu dùng trong năm 2020, nhưng dịch Covid-19 khiến kế hoạch này phải dừng lại. “Cái khó ló cái khôn”, để giới thiệu sản phẩm ra thị trường, DN đã tìm đến với sàn TMĐT Tiki, Sendo để quảng bá và bán sản phẩm. Thực tế cho thấy, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare chỉ là một trong số rất nhiều DN vừa và nhỏ tìm đến các sàn TMĐT để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trong tháng 3 vừa qua, sàn TMĐT Voso.vn và Sendo.vn đã mở chiến dịch “Cùng nông dân Hải Dương chuyển đổi số thoát cảnh giải cứu” qua đó giúp người dân Hải Dương tiêu thụ 61 tấn rau củ, 6.200 con gà và hơn 290.000 quả trứng.
Cũng trong thời gian này, Bộ Công Thương đã triển khai ứng dụng TMĐT hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm tại sàn TMĐT Sendo.vn và Voso.vn cho 140 DN, hợp tác xã, hộ nông dân tỉnh Sơn La. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ Nguyễn Quang Thuật: Sendo.vn đang định hướng thành một chợ trực tuyến kinh doanh sản phẩm Việt Nam, trở thành điểm mua sắm hàng hóa, nông sản uy tín. Từ ngày 12 – 14/4, Sendo.vn sẽ triển khai chương trình “Ngày Sơn La” qua đó giới thiệu nông sản Sơn La tới người tiêu dùng cả nước thông qua sàn TMĐT.
Hướng tới phát triển bền vững
Hiện nay, nhiều loại hàng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng lại vắng bóng trên các sàn TMĐT. Theo Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, nông sản tươi khó bán trên sàn TMĐT vì hạn chế trong khâu đóng gói, bảo quản nên “chu kỳ sống” không dài dẫn đến hiện tượng “sáng là rau, chiều là rác”. Ngoài ra chi phí logistics cao là nguyên nhân khiến người nông dân ngại đưa nông sản lên sàn TMĐT. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ Nguyễn Đắc Việt Dũng cho biết: Việt Nam hiện chỉ có trên 4% sản phẩm hàng hóa được đưa lên sàn TMĐT.
Trên Sendo có 35.000 shop bán hàng thì chỉ có 10.000 shop bán hàng thực phẩm, đồ ăn chín, còn nông sản rất ít xuất hiện. Lý do là bởi DN, HTX sản xuất chủ yếu tiêu thụ hàng thông qua chợ truyền thống hoặc thương lái, ít tiếp cận với công nghệ nên việc đưa nông sản lên sàn giao dịch TMĐT để tiêu thụ là rất khó. Ngoài ra, quy mô sản xuất đa phần nhỏ bé, không cung ứng được số lượng lớn, chất lượng đồng đều.
“Chẳng hạn, người tiêu dùng đặt mua một quả mít 3kg, nhưng khi hàng vận chuyển đến trọng lượng có thể hơn hoặc kém. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa không được kiểm chứng, mà chỉ là niềm tin của người mua với người bán, khiến người tiêu dùng ít mua nông sản trên sàn TMĐT. Đây là khó khăn lớn mà nông sản khó khăn khi tham gia vào sàn TMĐT” – ông Dũng nêu ví dụ.Để giải quyết khó khăn này, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết: Thời gian tới, Bộ Công Thương đẩy mạnh kết nối nông sản các địa phương với các sàn TMĐT qua đó thiết lập chuỗi giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; Hỗ trợ DN đẩy mạnh chuyển đổi số tiêu thụ sản phẩm. Cùng với những hoạt động trên, kênh phân phối trực tuyến nông sản “Gian hàng Việt trực tuyến” đã được Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với các sàn TMĐT Sendo.vn, Voso.vn và Tiki.vn triển khai. Theo đó, DN, hợp tác xã và hộ nông dân sẽ được đào tạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; miễn toàn bộ chi phí mở và vận hành gian hàng trên sàn TMĐT với thời gian từ 3 – 6 tháng; Hỗ trợ 50% chi phí chuyển phát hàng, vay vốn với lãi suất ưu đãi…
Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là một trong những hướng đi mới giúp người sản xuất liên kết trực tiếp với người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, còn hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ sản xuất nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.