TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN: ĐẦU RA NÔNG SẢN – ĐỪNG ĐỔ CHO NÔNG DÂN!

Nguồn: Thực phẩm minh bạch (AFT) (thucphamminhbach.org)

Trải qua năm Tân Sửu 2021 với những khó khăn chồng chất, nhiều cam go, mất mát, TP Hồ Chí Minh, nơi được xem là tâm dịch COVID-19 trong nhiều tháng liền, bước vào năm mới Nhâm Dần 2022 với những hành trang quan trọng, đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, của vùng xanh hy vọng, của niềm tin vào tương lại tươi đẹp, bình an hơn.

Cũng nhân dịp này, Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT) đã có cuộc trò chuyện ngắn đầu xuân năm mới với một hội viên của AFT tại TP Hồ Chí Minh. Đó chính là Anh Nguyễn Thanh Hiền – Founder TƯƠNG ỚT LÊN MEN CHILICA kiêm Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare – một hội viên của AFT sau khi ra mắt vào tháng 7/2020, trong khoảng 6 tháng tiếp theo mặc dù dịch bệnh rất khó khăn của năm 2021 nhưng đã tham dự tổng cộng 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài.

Nhân dịp mùa xuân mới đã gõ cửa nhà nhà, bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, bỏ lại phía sau một năm cũ nhiều biến động, đối mặt với nhiều thách thức do dịch COVID-19 gây ra, kiên cường vượt qua những khó khăn, thách thức. Anh có tâm sự gì về vai trò của người nông dân sau khi đã chọn lĩnh vực tương ớt để dấn thân?

  • Nhà tôi ba đời làm nông (trước đó làm gì tôi không rành, hihi), theo tôi thì trách nhiệm chính của nông dân là làm sao năng suất cao nhất, thêm nữa là màu sắc đẹp, chất lượng tốt là đã trở thành nông dân suất sắc rồi. Đòi họ xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra, chế biến thành phẩm, … là chuyện quá sức của họ. Cái này chỉ có đại gia, trí thức đi làm nông dân thì được. Bởi vậy mới có liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà nông.

Vậy theo Anh, trong liên kết 4 nhà thì nhà sản xuất đang ở đâu?

  • Trong chuỗi liên kết này, nhà sản xuất rất quan trọng, có thể thúc đẩy – hợp tác – liên kết các nhà còn lại. Nhưng bài toán này đặt ra cho thấy sản xuất – chế biến nông sản là việc làm dài hơi, vất vả và rủi ro nhưng lợi nhuận thấp, ít doanh nghiệp chịu làm. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói, ở Việt Nam có doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp Không Chịu Lớn. Doanh nghiệp nhỏ & vừa thường không có khả năng hay còn nhiều ngành khác hấp dẫn hơn. Doanh nghiệp lớn thì tìm miếng bánh lớn, sản lượng cao, doanh số khủng. Doanh nghiệp Không Chịu Lớn thì có lẽ đa số là vì sợ khổ nên không làm. Mà đúng là khổ thật nên không trách họ được.

Như Anh chia sẻ không thể đòi hỏi nông dân xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra, chế biến thành phẩm. Vậy trong hành trình làm nhà sản xuất của mình, Chilica đã làm như thế nào để sản phẩm – thương hiệu của mình được nhiều người biết tới càng nhanh càng tốt?

  • Là người yêu Nông Sản Việt, Nặng Lòng với Nông Dân, Chilica đã mất 5 năm nghiên cứu và thực nhiệm, đầu tư dây chuyền – công nghệ chế biến tương ớt bằng phương pháp ủ lên men tự nhiên – đến nay đã hơn 1,5 triệu đô, bao trí tuệ – công sức – thời gian của cả một đội ngũ. Hỏi mấy nông dân có thể làm được? Ra được một sản phẩm siêu sạch, cực ngon, giữ nguyên hương vị cay thơm và màu sắc của ớt tươi nhưng bán cũng không phải dễ. Tham gia hội chợ từ Nam chí Bắc, từ trong nước ra đến nước ngoài. Sampling liên tục trên mọi miền đất nước để phát triển hệ thống phân phối, giới thiệu đến người tiêu dùng là công việc dài hơi và tốn kém, hỏi nông dân làm nỗi không? Nếu chế biến không phát triển, chế biến nông sản không sâu để nâng giá trị thì giá nông sản vẫn thấp, đời sống nông dân vẫn khó khăn và “Bài Thánh Ca Buồn” giải cứu nông sản vẫn cứ hát mãi. Thử nghĩ, 1 tấn ớt tươi chỉ sản xuất được 1,45 tấn tương ớt lên men Chilica, nếu Chilica chiếm 10-15% thị phần thì lượng ớt được tiêu thụ khủng cỡ nào, cần gì phải giải cứu. Giá tương ớt lên men Chilica đang bán 150k/kg, giá ớt mua vào chưa khi nào dưới 25k/kg, vậy là người nông dân được lợi, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sạch, ngon, tốt cho sức khoẻ. Tất cả đều lợi, đây là giải pháp ổn định, căn bản cho đầu ra.

Không đổ lỗi, không đòi hỏi nông dân phải biết xây dựng thương hiệu. Vậy Chilica đã làm gì để hiện thực hóa tư duy: Thay vì ‘làm nhỏ cái lớn’ thì mình nên ‘làm lớn cái nhỏ’?

  • Trước tiên tôi lý giải chút về việc sở dĩ tôi chọn lĩnh vực tương ớt để thử sức, vì ngoài nước mắm và muối, thì đây là loại gia vị mà 25 triệu hộ gia đình Việt hay dùng nhất trong các bữa ăn của mình. Hơn nữa, tôi không hài lòng với chất lượng của những sản phẩm tương ớt đang lưu hành trên thị trường bởi nó không có hương vị thơm ngon của ớt tươi mà mọi người vẫn hay dùng. Khi bắt tay vào việc, thì tôi mới biết, thật ra không phải các ‘ông lớn’ trên thị trường không phải không muốn giữ hương vị ớt tươi, mà do quy trình – công nghệ của họ làm mất đi hương vị thật của ớt tươi. Hơn nữa nếu ra sản phẩm mới thì miếng bánh còn nhỏ, không có lợi về kinh tế như cách làm công nghiệp bây giờ. Chilica muốn tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình, vừa làm việc, vừa có ích cho cộng đồng. Tất nhiên tiên phong thì lúc nào cũng khó khăn nhưng mình sẽ hưởng được hạnh phúc mà nó mang lại. Ai không làm sẽ không thể cảm nhận được cảm xúc đó, sự chuyển tải bằng ngôn ngữ không làm sao nói hết được. Vậy nên, Chilica đã quyết định đầu tư hơn 1 triệu USD để hoàn thiện dây chuyền sản xuất với công suất lớn chỉ để làm tương ớt lên men tại Bình Chánh – TP.HCM. Nhờ sự kiên trì mà Chilica đã có 3 sản phẩm đặc biệt như hôm nay: tương ớt Chilica với 76% là ớt tươi lên men bằng giấm gạo, ớt bằm Chilica (bình thường và có tỏi) – 85% ớt tươi lên men bằng giấm gạo. Đây là những sản phẩm chưa từng xuất hiện trên thị trường Việt Nam trước đó. Chilica chỉ biết chăm chút cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách suất sắc nhất để người tiêu dùng có thể cảm nhận phần nào đó cảm xúc mà Chilica đã nhận được. … Đối với nông dân, thương còn không hết chứ đừng trách họ không lo đầu ra. Trách nhiệm của chúng ta là tìm hiểu nhà sản xuất – sản phẩm tử tế, sử dụng – ủng hộ và lan toả cho cộng đồng – việc này cần lắm, vẹn cả mọi đường.

Trong những ngày đầu xuân ý nghĩa này, Founder TƯƠNG ỚT LÊN MEN CHILICA – Anh Nguyễn Thanh Hiền tin tưởng, kỳ vọng vào một mùa Xuân mới với nhiều khởi sắc, phát triển hơn. Bởi tiềm năng thị trường tương ớt lên men Chilica – sản phẩm thay thế ớt tươi là rất lớn – khi 25 triệu hộ gia đình sẽ sử dụng trong 3 bữa ăn hàng ngày. Thế nên, chỉ chờ thị trường sẵn sàng là Chilica sẽ bung hết công suất. Chắc chắn ngày đó sẽ không còn xa nữa!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *