Nguồn: báo Người lao động (nld.com.vn)
Link: https://nld.com.vn/kinh-te/diem-sang-kinh-te-viet-nam-thich-nghi-voi-bien-dong-2022092721242263.htm
Đầu tư hơn nữa cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại tự do… tiếp tục là động lực để Việt Nam phát triển kinh tế
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát đã tạo ra làn sóng tăng lãi suất ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này khiến bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều thách thức
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng các doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị ứng phó với những biến động toàn cầu vào các tháng cuối năm 2022 và có thể kéo dài cả năm 2023.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hết sức linh động và linh hoạt thích nghi bằng việc đẩy mạnh liên kết hiệp hội, liên kết chuỗi giá trị. Các DN cần đầu tư vào nguồn nhân lực và trang thiết bị, khoa học – công nghệ; từ bỏ cách kinh doanh theo kinh nghiệm và truyền thống, sẵn sàng chấp nhận cái mới.
Cần điều chỉnh chiến lược, năng động hơn bởi “chậm là chết”. DN cũng phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong quy trình sản xuất – kinh doanh và tận dụng các khả năng mới tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội, điện thoại thông minh…” – chuyên gia này gợi ý.
Về thị trường xuất khẩu, TS Lê Đăng Doanh cho rằng trước tình hình lạm phát ở nhiều nước tăng cao, thời tiết nhiều nước khô hạn, nông nghiệp mất mùa, sức mua ở các thị trường truyền thống giảm sút, DN cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới. Khi thấy cơ hội, cần tận dụng ngay, không để chậm trễ.
“Tôi cho rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. DN Việt Nam cần sớm có mối quan hệ hợp tác với các tập đoàn, công ty Ấn Độ để gia tăng lợi thế người đi trước” – ông nêu.
Tăng trưởng nhờ yếu tố nội tại
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (nhãn hàng tương ớt lên men Chilica), vẫn bày tỏ lạc quan về xuất khẩu các tháng cuối năm, tăng trưởng quý IV có thể cao hơn ít nhất 30% so với các quý trước. Là DN xuất khẩu nông sản thực phẩm mới gia nhập thị trường, Tomcare chọn con đường xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu mang thương hiệu riêng và không nhận gia công.
“Nhu cầu thực phẩm cho những ngày lễ cuối năm cao, khách hàng từ châu Âu, Hàn Quốc tăng nhập hàng để phục vụ dịp mua sắm cao điểm. Mới đây, chúng tôi đã xin được giấy phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để chuẩn bị xuất khẩu lô đầu tiên phục vụ mùa Tết 2023. Đây là thị trường rất lớn, chúng tôi kỳ vọng sẽ có sản lượng xuất khẩu cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thực hiện các chương trình quảng cáo quốc tế để khách hàng nước ngoài biết đến nhiều hơn nữa.” – ông Hiền thông tin.
Theo ông Hiền, việc tìm kiếm container rỗng dễ dàng hơn, cước tàu và phí bảo hiểm tàu giảm cũng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy không nhận các đơn hàng gia công nhưng Tomcare đã tìm được một số đối tác là DN xuất khẩu thủy sản để cung cấp nguyên liệu và bán thành phẩm để các DN thủy sản phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này góp phần đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” với những sản phẩm sẵn, giúp người tiêu dùng thế giới có thể ăn ngay hoặc chỉ cần chế biến sơ – giảm tỉ lệ nông – thủy sản xuất khẩu nguyên liệu thô như hiện nay.