Giúp doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua dịch bệnh

Nguồn: Báo Nhân Dân (nhandan.vn)

Thứ Hai, 01-11-2021, 21:47

Nhân viên Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare giới thiệu tương ớt Chilica đến khách hàng.

Chia sẻ câu chuyện vượt khó để giữ vững sản xuất, đều đặn xuất khẩu sản phẩm, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare Nguyễn Thanh Hiền (huyện Bình Chánh) chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tương ớt lên men Chilica “bật mí”, tất cả là nhờ cách bán hàng trong mùa dịch rất độc đáo: “Chúng tôi bán hàng theo kiểu “thương mại đa kênh”. Ngoài tận dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo thì các sàn thương mại điện tử Tiki, Sendo… chính là các kênh bán hàng rất tốt trong mùa dịch.

Chilica đặt mục tiêu không để đứt gãy chuỗi cung ứng, phải giữ khách hàng… làm động lực để vượt bão dịch”. Để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, lãnh đạo Chilica gửi tâm thư đến gần 100 thương vụ Việt Nam trên thế giới để kết nối, tham gia các hội chợ triển lãm… Kết quả, Chilica nhận được những tín hiệu vui từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Campuchia… “Hiện, sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Aurtralia. Còn với thị trường Mỹ, đến nay công ty đã làm xong các thủ tục cần thiết. Khoảng hai đến ba tháng nữa, công ty sẽ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Amazon để giới thiệu đến người tiêu dùng Mỹ”, lãnh đạo Chilica cho biết.

Gần năm tháng mới có cơ hội được trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh Phạm Thái Hoàng cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh tráng siêu mỏng, Công ty Tân Nhiên khá chật vật trong thời gian thực hiện “ba tại chỗ” khi giãn cách. Dẫu vậy, đơn vị này vẫn duy trì việc làm cho công nhân, đều đặn xuất khẩu sản phẩm. “Chúng tôi xác định, những thực phẩm khô sử dụng ngay, chính là ưu thế trong mùa dịch. Hai năm qua, công ty liên tục cải tiến sản phẩm, đầu tư dây chuyền sản xuất theo quy trình khép kín. Bánh tráng Tân Nhiên khác biệt so với những sản phẩm cùng loại là có thể dùng trực tiếp để cuốn chứ không phải nhúng nước, nhưng vẫn giữ được độ dẻo, dai, không bị gãy” – anh Hoàng chia sẻ. Cơ duyên đến ngay trong mùa dịch khi tháng 8/2020, bánh tráng Tân Nhiên đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên. Hiện tại, đơn vị này xuất hàng đều đặn 10 tấn/tháng sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Công ty đang xúc tiến việc xuất khẩu bánh tráng sang Pháp, Nhật Bản và thu được những tín hiệu khả quan. “Trong đợt dịch lần thứ 4 này, chúng tôi nhận ra khi nhiều người làm việc tại nhà, nhu cầu thưởng thức các món “ăn chơi” cao hơn. Vậy là công ty nghiên cứu và cho ra đời các loại bánh tráng trộn chà bông, bánh tráng tôm khô để ăn chơi và dự định sẽ đẩy mạnh sản phẩm trong thời gian tới” – anh Hoàng tiết lộ.

Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi đánh giá, sau khi thành phố ban hành Chỉ thị 18 và mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, thống nhất các quy định chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp trong ngành rất phấn khởi đang dần ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Một số doanh nghiệp còn tăng công suất, tăng ca để ổn định hàng hóa, giá cả, bảo đảm cung cấp hàng đầy đủ, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết” – bà Chi cho biết.

Những ngày gần đây, người dân TP Hồ Chí Minh bất ngờ khi lần đầu tiên có thể đến một cửa hàng thời trang nổi tiếng để mua quần áo lẫn nông sản Việt. Đây là hình thức bán hàng “chưa từng có” do Uniqlo phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại quận 10. Tại đây, hàng chục mặt hàng nông sản chế biến của Việt Nam gồm các sản phẩm của Vinamit, rau má Quảng Thanh, tương ớt Chilica, trái cây và vỏ trái cây sấy của Nông Lâm Food, các sản phẩm bí của Danny Green, yến sào Khánh Hòa, các sản phẩm từ Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên, các sản phẩm mắm xứ Gò Công, cháo Cây Thị, Công ty Song Nga với các sản phẩm từ trái tầm bóp, điều Bình Phước, các loại trái cây Đà Lạt của Tâm Ngọc… được trưng bày, giới thiệu và bán trực tiếp cho khách hàng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho rằng: “Hiện nay, khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đang đi tìm những sản phẩm chất lượng, có hàm lượng sinh học cao. Với cầu nối giữa doanh nghiệp của Nhật Bản và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hoàn toàn chúng ta có thể tiếp cận được những khách hàng này”. Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho biết: Việc hợp tác này mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp xúc thêm những khách hàng mới. Theo bà Hạnh, khoảng 50% số thành viên Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm. Vì vậy, tiêu chuẩn sản phẩm và thị trường sẽ là động lực để nông dân và doanh nghiệp tạo ra những nguyên liệu tốt nhất, chế biến sản phẩm chất lượng nhất và có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. “Biết đâu những sản phẩm của những người nông dân ngày hôm nay có thể bay ra khỏi Việt Nam đến Nhật Bản, như cách mà Nhật Bản vừa giúp đỡ cho người nông dân Việt Nam khi trao cho hai chứng nhận chỉ dẫn địa lý là vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và thanh long Bình Thuận” – bà Vũ Kim Hạnh kỳ vọng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *